SÂN BAY TÂN SƠN NHẤT QUÁ TẢI TỪ TRONG RA NGOÀI (*) CHỜ GIAO ĐẤT MỞ RỘNG
Sân bay Tân Sơn Nhất sẽ ưu tiên xây thêm bãi đậu tàu bay và đường lăn góp phần giải tỏa ách tắc hạ tầng khu bay
Theo Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Bộ Quốc phòng đang xúc tiến các bước tiếp theo để bàn giao 20 ha đất quân sự cho ngành hàng không, sau khi lãnh đạo Bộ Quốc phòng thông báo tại phiên họp trực tuyến của Chính phủ ngày 28-12-2015.
Bức thiết sân đỗ tàu bay
Theo ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không, cơ quan này đang nghiên cứu phương án sử dụng cụ thể toàn bộ diện tích 20 ha đất được bàn giao. Phần đất này phía quân đội cũng có quy hoạch nên cục sẽ tiếp thu rồi nghiên cứu, đánh giá và điều chỉnh cho phù hợp với thực tế tại Tân Sơn Nhất. Nhu cầu về sân đỗ tàu bay của các hãng ở sân bay Tân Sơn Nhất rất bức thiết nên có thể 20 ha đất này sẽ ưu tiên dùng để xây dựng thêm các đường lăn và sân đỗ tàu bay.
Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên Bộ Quốc phòng giao đất cho Bộ GTVT để mở rộng sân bay. Trước đó, tháng 4-2014, Bộ Quốc phòng cũng bàn giao 7,63 ha đất quân sự để mở rộng khu vực bãi đậu tàu bay tại sân bay Tân Sơn Nhất. Phần diện tích này đang được tiếp tục cải tạo nhằm nâng tổng vị trí đậu tàu bay lên 46 chỗ. Đến tháng 12-2015, Bộ GTVT tiếp tục đề nghị được giao thêm 9 ha đất quân sự để làm bãi đậu và đường lăn phục vụ hàng không dân dụng.
Bao giờ Bộ Quốc phòng sẽ bàn giao chính thức 20 ha này cho ngành hàng không? “Chủ trương đã có, chúng tôi đang nghiên cứu quy hoạch chi tiết các phương án để trình và 2 bộ sẽ có quyết định cuối cùng. Do yêu cầu bức bách về cơ sở hạ tầng quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất nên chắc là sẽ thực hiện sớm” - ông Thanh thông tin.
Nhu cầu về chỗ đậu tàu bay của các hãng là rất lớn nhưng cơ sở hạ tầng sân bay Tân Sơn Nhất không cho phép đã ảnh hưởng đến hoạt động khai thác. Tình trạng tàu bay đã hạ cánh xuống sân bay nhưng không có chỗ đậu phải chờ ngoài đường lăn diễn ra khá phổ biến. Thực tế, nhu cầu của các hãng đang khai thác tại sân bay Tân Sơn Nhất về chỗ đậu tàu bay là 70 vị trí nhưng quy hoạch chỉ có 46 chỗ đậu. Việc các hãng liên tục nhập thêm tàu bay mới về để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng càng làm tình trạng này trở nên bức bách.
Mới đây, Hội đồng Điều phối slot (điều phối giờ cất - hạ cánh tại sân bay) đã họp để phân bổ hạn mức cho các hãng hàng không trong mùa cao điểm hè và dịp lễ 30-4. Nhu cầu tăng tải của các hãng là rất lớn nhưng bị hạn chế bởi slot. Bộ GTVT và Cục Hàng không đã nghiên cứu cố gắng nâng trần lịch bay tại sân bay Tân Sơn Nhất lên tối đa 43 chuyến/giờ nhằm đáp ứng về cơ bản nhu cầu của các hãng.
Xây thêm nhà ga 10 triệu lượt hành khách
Giải bài toán quá tải cho sân bay Tân Sơn Nhất trong gần 10 năm trong thời gian chờ sân bay Long Thành đưa vào khai thác (dự kiến năm 2025), cần giải pháp mang tính lâu dài bởi công suất khai thác thực tế của sân bay này đã vượt trước cả năm 2020. Dự báo đến năm 2018, lượng hành khách qua sân bay Tân Sơn Nhất sẽ cán mốc 40 triệu lượt và khi đó cả nhà ga quốc nội, quốc tế hiện hữu khó đáp ứng nhu cầu.
Một lãnh đạo sân bay Tân Sơn Nhất cho biết cơ quan này và Cảng vụ Hàng không Miền Nam đã có kiến nghị lên Cục Hàng không và Bộ GTVT về việc sẵn sàng di dời trụ sở đi nơi khác để nhường đất phục vụ hoạt động khai thác. Đơn vị thiết kế cũng đã tới đo đạc diện tích và đang lên phương án khả thi cho giải pháp này.
“Một giải pháp khác là trong khi chờ sân bay Long Thành đi vào khai thác, sân bay Tân Sơn Nhất cần một nhà ga quốc nội công suất khoảng 10 triệu lượt hành khách để đáp ứng mức tăng trưởng 2 con số hiện nay” - vị này chia sẻ.
Thông tin về việc sân bay Tân Sơn Nhất sẽ có thêm một nhà ga công suất 10 triệu lượt hành khách đã được ông Lại Xuân Thanh xác nhận. Theo ông Thanh, giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất không chỉ là bài toán chỗ đậu tàu bay, đường lăn mà cần nhiều giải pháp đồng bộ trong dài hạn từ nhà ga, các đường kết nối ra vào nhà ga mới để tránh tình trạng kẹt xe thường xuyên ở khu vực ra vào sân bay. Có thể nhà ga mới sẽ được xây dựng trên phần diện tích đất dùng cho hàng không lưỡng dụng của Bộ Quốc phòng.
“Phương án này đã được Bộ GTVT, cục và các đơn vị liên quan nghiên cứu. Nhưng xây nhà ga mới xong cần thêm các phương án kết nối về giao thông bởi nếu sử dụng hệ thống đường giao thông ra vào sân bay như hiện nay sẽ khó tránh tình trạng kẹt xe nghiêm trọng hơn” - ông Thanh nói.
Chuyển bãi đậu sang sân bay vệ tinh
Để giải quyết chỗ đậu ở sân bay Tân Sơn Nhất, trước mắt, Cục Hàng không đang nghiên cứu dự thảo yêu cầu các hãng phải xếp lịch đậu tàu bay qua đêm ở sân bay Tân Sơn Nhất; số tàu bay còn lại phải đậu ở các sân bay vệ tinh như Cam Ranh, Phú Quốc, Cần Thơ. Tuy nhiên, ý kiến này không được các hãng hàng không đồng tình bởi hoạt động kinh doanh sẽ không hiệu quả, giống như “vào nhà mình nhưng phải gửi xe ở nhà hàng xóm”.
Ông Lại Xuân Thanh cho biết hiện năng lực của sân bay Tân Sơn Nhất không thể đáp ứng cả nhu cầu khai thác lẫn đậu tàu bay qua đêm. Do đó, cục phải đứng ra điều phối chỗ đậu qua đêm bằng cách yêu cầu mỗi hãng chỉ được đậu một số lượng tàu bay nhất định qua đêm tại sân bay Tân Sơn Nhất, số còn lại đậu tại các sân bay lân cận nên các hãng phải chủ động lên kế hoạch sắp xếp lịch bay cho phù hợp.