"THẦN TỐC" THI CÔNG GA QUỐC TẾ SÂN BAY ĐÀ NẴNG

Nhà ga quốc tế tại Sân bay Đà Nẵng đang hối hả vượt nhiều mốc tiến độ, hoàn thành trước 30/4/2017.

 
8

Mới 1/3 thời gian thi công nhưng dự án đạt hơn 50% tiến độ. Công trình cơ bản hoàn thành phần thô và đang triển khai lắp đặt thiết bị

Dự án đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa (XHH) đầu tiên của ngành Hàng không - nhà ga quốc tế tại Sân bay Đà Nẵng đang hối hả vượt nhiều mốc tiến độ, bỏ qua những e ngại ban đầu về việc khó hoàn thành trước 30/4/2017.

Thi công xuyên đêm

Đêm, nhịp điệu thi công trên hơn chục gói thầu xây lắp dự án Nhà ga quốc tế Sân bay Đà Nẵng vẫn hối hả. Từng tốp công nhân chong đèn sáng rực, điều khiển trang thiết bị hối hả lắp đặt các hạng mục xây dựng phần thô. Anh Nguyễn Đắc Thắng, Phó Ban QLDA nhà ga quốc tế cho biết, các nhà thầu thi công 24/24h, 3 ca liên tục trong ngày. Lực lượng lớn nhân công, thiết bị được huy động, đẩy tiến độ từng ngày.

* Tại buổi làm việc với lãnh đạo TP Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cho rằng, dự án nhà ga quốc tế Đà Nẵng là “điểm sáng” mô hình xã hội hóa đang được Bộ nhân rộng ra các địa phương, nhà ga khác.

* Nhà ga quốc tế Đà Nẵng gồm 3 hạng mục chính: Nhà ga hành khách quốc tế, cầu vượt trước nhà ga và sân đỗ ô tô với tổng mức đầu tư hơn 3.500 tỉ đồng. Khi hoàn thành, nhà ga này có  40 quầy thủ tục hàng không, 20 quầy xuất cảnh, 22 quầy nhập cảnh, 10 cửa ra tàu bay…

Ông Lê Khắc Hồng, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Khai thác nhà ga quốc tế Đà Nẵng (AHT) thường xuyên túc trực hiện trường cho biết, căng nhất là áp lực tiến độ. Bình thường những dự án như ga quốc tế này phải mất 3-4 năm mới có thể hoàn thành, nay rút ngắn chỉ còn 16 tháng. “Công trình không còn đường lùi. Tất cả các vấn đề kỹ thuật phát sinh đều được khẩn trương xử lý ngay tại công trường”, ông Hồng nói.

Còn nhớ ngày khởi công (tháng 11/2015), không ít người lo ngại cho mục tiêu hoàn thành nhà ga trước 30/4/2017. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn, những e ngại ban đầu dần tan biến. Nhiều mốc tiến độ đã bất ngờ vượt qua. Ngay cuối tháng 4/2016, phần thô hạng mục nhà ga cơ bản hoàn thành trong khi kế hoạch đặt ra 15/5. Hiện các nhà thầu thiết bị được tăng cường, triển khai song song các phần việc ngay khi cơ bản xong hạng mục thô.

“Tiến độ đang rất khả quan. Ngày 29/3/2017 sẽ chạy thử kỹ thuật, hiệu chỉnh để đảm bảo hoạt động thông suốt trước khi khánh thành”, ông Hồng nói.

9

Hối hả thi công công trình nhà ga quốc tế Đà Nẵng

Bứt phá từ mô hình tiên phong

Theo ông Hồng, việc kiểm soát tốt tiến độ không chỉ do các giải pháp thi công. Quan trọng là vấn đề dự án được vận hành, quản lý theo mô hình xã hội hóa. Chủ trương đúng cùng các giải pháp phù hợp là động lực đưa công trình nhà ga hành khách quốc tế bứt phá. “Nhu cầu mở rộng, tách biệt nhà ga quốc tế ra khỏi nhà ga quốc nội của Sân bay Đà Nẵng rất bức thiết. Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng hành khách của Sân bay Đà Nẵng tăng 15%, trong đó lượng khách quốc tế tăng chóng mặt (hơn 80%), khiến nhà ga quá tải. Đặc biệt, công tác chuẩn bị Hội nghị APEC do Việt Nam đăng cai tổ chức tại Đà Nẵng năm 2017 càng cấp thiết phải đầu tư nhà ga quốc tế”, ông Hồng nói và cho hay, trong bối cảnh ngân sách Nhà nước cho ngành GTVT khá hạn chế so với nhu cầu, việc đầu tư phát triển ngành hàng không lại rất lớn và cuối cùng đề xuất mô hình táo bạo: Tổng công ty Cảng hàng không VN thành lập 1 CTCP để góp một phần vốn Nhà nước còn lại huy động các nguồn bên ngoài.

“Tôi xin nhắc lại đây là mô hình XHH, không phải hình thức BOT như QL1 hiện nay”, ông Hồng nhấn mạnh và cho biết thêm: Tháng 4/2015, ý tưởng được thông qua. Chỉ sau 3 tháng AHT đã ra đời với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn: Công ty CP Đầu tư Thăng Long, Tổng công ty XD Hà Nội, Công ty CP AOV cùng số vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Ngoài vốn góp của AHT, 80% tổng mức đầu tư dự án được huy động từ nguồn vốn vay ngân hàng.

Mô hình AHT từ sớm minh chứng sự hiệu quả: đảm bảo cơ sở pháp lý, giảm gánh nặng vốn ngân sách Nhà nước, tạo hàng loạt cơ chế linh hoạt triển khai dự án. Đây là dự án XHH tiên phong của nhà ga quốc tế ngành Hàng không. Theo ông Hồng, với dự án vốn ngân sách, trước khi đầu tư phải phải cân đối vốn, khái toán vốn theo từng năm, từng giai đoạn... Còn những dự án XHH, các quy trình thủ tục giảm bớt nhiều, đặc biệt thủ tục lập, phê duyệt, thẩm định, thiết kế, dự toán, đấu thầu.

“Bình mới, rượu mới”

Công trình sẽ hoàn thành năm 2017 với công suất thiết kế đáp ứng 4-6 triệu hành khách quốc tế/năm, đặc biệt nhà ga tăng tính tiện ích, hiệu quả, vận hành nhanh gọn, giảm tối đa các thủ tục hành chính rườm rà, tạo sự thoải mái, văn minh cho hành khách. Thống kê hiện lượng khách qua Sân bay Đà Nẵng đạt 1,5 triệu khách, con số này năm 2017 tăng lên 2 triệu khách, dự kiến đến khoảng 2025 sẽ lấp đầy công suất.

Theo ông Hồng, trước ký kết hợp đồng tín dụng, phía ngân hàng và AHT thống nhất phương án tài chính hoàn vốn trong vòng 15 năm. “Có nhiều phương thức kinh doanh, không nhất thiết phải theo truyền thống”, ông Hồng bật mí. Thông thường ở các sân bay châu Âu, 80% nguồn doanh thu của sân bay từ dịch vụ phi hàng không, con số này tại Việt Nam chừng 25-30%.

Cũng theo ông Hồng, nhiều người băn khoăn không biết giá cả thuê mặt bằng, dịch vụ ở nhà ga sẽ ra sao. Tuy nhiên, không có gì phức tạp, bất thường ở đây. Với những loại giá dịch vụ theo quy định, đơn vị áp dụng theo trần quy định của nhà nước; một số giá do doanh nghiệp xây dựng tuỳ thị trường nhưng đảm bảo chất lượng dịch vụ, kỹ mỹ thuật tốt và “giá cả không có sự thay đổi bất thường”.

Có thể hình dung trước đây ta thường áp dụng cho các đơn vị thuê mặt bằng, bến bãi, giờ tính đến phương thức mới, các đơn vị thuê này cùng với nhà ga hợp tác, chia sẻ trên tổng mức lợi nhuận. Nếu ép các hộ kinh doanh bằng tiền thuê mặt bằng họ sẽ làm mọi giá để bù chi phí, dễ dẫn đến phản cảm. Ở đây đối tác và nhà ga cùng chia sẻ trách nhiệm, hiệu quả. Điều này không chỉ tạo sự thoải mái giữa các bên mà cho cả hành khách. “Dù là Nhà nước hay tư nhân vận hành thì vai trò quản lý, giám sát của Nhà nước vẫn được thực thi”, ông Hồng nhấn mạnh. 

Theo Xuân Huy - www.baogiaothong.vn

CÁC ĐƠN VỊ THÀNH VIÊN, LIÊN Kết: