NGHỊCH CẢNH NGÀNH HÀNG KHÔNG: MÁY BAY TĂNG ĐƯỜNG BAY...THIẾU

Cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh.

Năng lực hạn chế của một số sân bay trong đó đặc biệt là Tân Sơn Nhất trong lúc nhu cầu của người dân và các hãng hàng không tăng cao khiến các hãng hàng không lẫn cơ quan quản lý đều “đau đầu” trong việc phân bổ slot (giờ hạ, cất cánh) cho mùa hè, đặc biệt là dịp nghỉ lễ 30.4 sắp tới.

“Giới hạn có vậy, gọt quotas thế nào?”

Ngày 4.4, Hội đồng điều phối slot tại các hãng hàng không, sân bay Việt Nam (bao gồm lãnh đạo Bộ GTVT, đại diện Cục Hàng không, đại diện các hãng hàng không, các DN cảng, quản lý bay) đã tiến hành họp và thông qua nguyên tắc phân bố quotas cho các hãng hàng không trong mùa hè năm nay. Sau khi chốt nguyên tắc, trong tuần này, hội đồng sẽ họp để sắp xếp lịch bay cho các hãng và bàn giải pháp nâng năng lực của sân bay Tân Sơn Nhất trước khi chốt trần lịch bay.

Trao đổi với Báo Lao Động, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết trong dịp nghỉ lễ 30.4 năm nay sẽ cố gắng nâng trần lịch bay tại sân bay Tân Sơn Nhất lên tối đa 43 chuyến/giờ và về cơ bản sẽ đáp ứng gần đủ nhu cầu của các hãng hàng không.

Dù cố gắng nâng trần lịch bay trong đợt cao điểm 30.4 nhưng Cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh thừa nhận việc phân bổ slot vẫn là một vấn đề đau đầu với tất cả các bên.

Ông Thanh cho rằng năng lực của sân bay Tân Sơn Nhất hiện không thể đáp ứng nhu cầu khai thác lẫn nhu cầu tàu bay đậu qua đêm của các hãng hàng không trong khi sân bay này đang chiếm hơn 50% sản lượng khai thác toàn thị trường hàng không Việt Nam và có ảnh hưởng rất lớn tới kế hoạch khai thác của các hãng hàng không.

Về nguyên tắc, hội đồng tiến hành phân bổ slot theo lịch bay mùa và trước mỗi mùa các hãng đều phải đăng ký slot. Nhu cầu các hãng hiện rất bức bách đặc biệt là khi có thêm vấn đề từ sự cố cầu Ghềnh.

Khi được hỏi về việc chuẩn bị có thêm hai hãng hàng không mới, ông Thanh cho rằng bức tranh khai thác cảng về cơ bản sẽ không bị ảnh hưởng nhiều do VASCO - VietSky không thay đổi gì về năng lực bay mà chỉ đổi về hình thức doanh nghiệp trong khi Vietstar sẽ có ảnh hưởng tới việc phân bổ slot nhưng tỉ trọng rất nhỏ không đáng kể.

Lãnh đạo Cục Hàng không cũng cho biết đang đẩy mạnh việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất (sân đỗ, cải tạo đường lăn, nâng cao năng lực điều hành bay).

Khởi công sân bay Long Thành có thể chậm 2 năm

Trong lúc sân bay Tân Sơn Nhất vẫn bế tắc với câu chuyện quá tải, việc triển khai dự án sân bay Long Thành dù “đang rất là tích cực” nhưng nhiều khả năng sẽ khởi công chậm 2 năm so với quyết tâm trước đây.

Theo ông Lại Xuân Thanh, hiện Bộ GTVT đã lên được một kế hoạch tổng thể cho các khâu, các bước và Thủ tướng đã chấp thuận việc tách dự án GPMB tái định cư thành một tiểu dự án độc lập cho UBND trực tiếp triển khai độc lập nhằm rút ngắn thời gian triển khai và hạn chế việc đội giá.

Tuy nhiên, do Thủ tướng coi đây là một dự án trọng điểm công trình mang tính biểu tượng rất cao của quốc gia nên đã quyết định dùng hình thức thi tuyển thiết kế nhà ga và làm kéo dài thêm vài tháng vì “thi tuyển xong mới đưa được kiến trúc vào Báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn I (F/S) và lúc đó mới đưa vào đầu bài để lựa chọn tư vấn lập F/S”.

Theo ông Thanh, việc thi tuyển hiện đã duyệt xong kế hoạch, lập xong quy chế nhưng phải tới tháng 7 mới có thể kết thúc vấn đề thi tuyển thiết kế để tiến hành đấu thầu lập F/S. Cục Hàng không cho rằng dự kiến phải tới năm 2020 mới khởi công đường băng và đến năm 2025 hoàn thành.

Lãnh đạo cục cho rằng dù chậm hơn lịch mà Bộ GTVT quyết tâm đạt trước đây 2 năm nhưng so với nghị quyết Quốc hội thì không chậm.

Liên quan tới vấn đề tài chính, ông Thanh cho biết hiện đã chốt chủ trương về nguồn tiền của các hạng mục đầu tư, trong đó công trình kết cấu hạ tầng sân bay như đường cất hạ cánh sân bay, đường lăn, sân đỗ sẽ sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước nhưng không phải từ ngân sách nhà nước mà từ vốn của Tổng Cty Cảng hàng không, vốn vay ODA, còn các hạng mục nhà ga (hành khách, hàng hoá), hăng ga, công trình thương mại, khu đào tạo, dịch vụ mặt đất... sẽ huy động vốn đầu tư dưới hình thức PPP.

Dự kiến, dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (giai đoạn 1) có chi phí lên tới 114.450 tỉ đồng và đang chuẩn bị đấu thầu quốc tế để chọn đơn vị tư vấn lập báo cáo khả thi.

Trước đó, tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường yêu cầu “đẩy nhanh quá trình chuẩn bị để khởi công, muộn nhất vào năm 2018.

Theo Khánh Hòa

Lao động

CÁC ĐƠN VỊ THÀNH VIÊN, LIÊN Kết: